CUỒNG NHIỆT MÙA MĂNG TÂY KIỂU ĐỨC
Mùa măng tây thường kéo dài 8 tuần, từ đầu tháng Năm đến cuối tháng Sáu, với khoảng 55 ngàn tấn măng tây được tiêu thụ mỗi năm trên toàn nước Đức. Đến bất cứ thành phố lớn nhỏ nào ở Đức trong khoảng thời gian này, bạn đều có thể bắt gặp những xe tải nhỏ, những kiốt dã chiến bán măng tây tươi thản nhiên “cắm trại” trên những vỉa hè rộng lớn hay trước cổng các khu thương mại sầm uất - một điều vô cùng hiếm thấy ở các nước châu Âu.
Bài: Ngọc Quyên. Ảnh: Ngọc Quyên - Dreamstime
Tôi đặt chân đến phi trường Frankfurt vào buổi sáng đầu tiên của tháng 5, trời còn rất lạnh, gió thổi thốc từng cơn tê tái khiến những cô gái trẻ ăn mặc phong phanh cuống quýt ôm chầm lấy người yêu, và người già càng rúc mặt sâu hơn dưới lớp khăn len to sụ. Mùa xuân đầu tiên của tôi ở châu Âu hiện ra lạnh lẽo và ảm đạm vô cùng, của một cô gái châu Á lần đầu xa nhà, đến với đất nước của “những cỗ xe tăng” vào mùa măng tây ở Đức.
Theo lời Vanessa, cô bạn thân người Tây Ban Nha, mùa măng tây thường kéo dài 8 tuần, từ đầu tháng Năm đến cuối tháng Sáu, với khoảng 55 ngàn tấn măng tây được tiêu thụ mỗi năm trên toàn nước Đức. Đến bất cứ thành phố lớn nhỏ nào ở Đức trong khoảng thời gian này, bạn đều có thể bắt gặp những xe tải nhỏ, những kiốt dã chiến bán măng tây tươi thản nhiên “cắm trại” trên những vỉa hè rộng lớn hay trước cổng các khu thương mại sầm uất - một điều vô cùng hiếm thấy ở các nước châu Âu. Nhưng chẳng có ai buồn bắt bớ nhau cả. Đơn giản vì cả nước Đức đang đắm mình với tình yêu măng tây!
Như chàng trai si tình muốn chứng tỏ tình yêu của mình với người con gái mà anh thầm thương trộm nhớ, từ tháng Tư, người ta đã rục rịch cho in hàng loạt tờ bướm, áp phích, quảng cáo rao vặt, thậm chí cả sách dạy nấu ăn mỏng dính phát miễn phí nơi công cộng với chủ đề chính chẳng có gì khác ngoài măng tây đang độ vào mùa.
|
Vào ngày đầu tiên của mùa măng, tôi ngạc nhiên khi thấy một hàng dài người kiên nhẫn xếp hàng trước một kiốt con con sơn màu trắng, ngang nhiên đứng trước trung tâm thương mại Düsseldorf Arkaden nhộn nhịp. Anh chàng bán hàng mặc quần yếm và mang ủng cao su đang thoăn thoắt cho măng vào máy bào, rồi lại cân đo đong đếm từng bó măng tươi rói. Người mua ai nấy cũng đều trong tâm trạng chờ đợi mùa măng từ hè năm trước như đợi chờ cô nhân tình đỏng đảnh. Thế mà vẫn yêu và vẫn chờ, không dứt ra được!
Đối với một kẻ ngoại đạo với những món ăn nhiều bơ sữa và kem béo như tôi, mùa măng tây ở Đức quả là một quãng thời gian rất thú vị. Nhà nhà ăn măng, người người ăn măng, đến cả căngtin trường đại học cũng bày một tấm bảng đen, trên viết mấy dòng, đại ý: “Hôm nay nhà ăn có món măng tây, giá cho phần ăn đặc biệt tăng thêm 5 Euro”! Người Đức ăn nhiều, nói nhiều về măng đến mức đôi khi khiến ta tưởng như đó là một thứ tôn giáo ẩm thực đầy mê hoặc. Nhưng bạn ơi, không mê hoặc sao được khi sau bao tháng ngày chờ đợi, bạn sẽ lại được cầm trên tay bó măng tươi rói, thon dài như ngón tay người nghệ sỹ dương cầm, được gói trong lớp giấy mỏng màu vàng rơm, lại thêm dây lạt buộc quanh thân măng còn vương chút đất cát, được hít hà mùi thơm đặc trưng của măng, mùi hăng của đất, cả mùi giấy gói nữa… Khách mua xong cứ thế bỏ luôn vào túi hoặc giỏ xe đạp, hoặc cầm hẳn trên tay mang về nhà. Một bó măng ngon như thể gói được cả hương vị mùa xuân châu Âu trong đấy.
Cùng thời điểm này, tôi có dịp đến Na Uy, quốc gia Bắc Âu lạnh lẽo nổi tiếng với giải Nobel Hòa Bình và bức họa The Scream – Tiếng Thét, trong vòng một tuần để cùng ăn mừng lễ Quốc khánh Na Uy với vài người bạn học từ phương Bắc. Đến nơi mới thấy, nếu ở Đức, người ta nâng niu và háo hức với măng tây bao nhiêu thì ở Na Uy, người ta lại hời hợt với món ngon này bấy nhiêu. Trong siêu thị hay ngoài chợ, măng tây vẫn xuất hiện, nhưng kẻ mua người bán không có vẻ gì là… thiết tha chờ đợi mùa măng như ở Đức. Măng tây ở đây được bỏ vào túi nhựa, hút chân không xẹp lép, rồi bày trong ngăn mát, chỉ nhìn thôi là đủ khiến những trái tim thổn thức vì măng tây như vỡ vụn ra trăm mảnh! Sau một tuần lang thang Na Uy, tôi nghiệm ra rằng, chỉ có ở Đức, người ta mới yêu, mới cuồng măng tây đến thế!
Tôi đã ăn rất nhiều măng tây. Hẳn nhiên không tới 2kg/người như tờ báo địa phương đã đăng tin ngay trên trang nhất vào ngày kết thúc mùa măng, nhưng tôi đã trở thành tay bào măng cự phách trong nhà. Tôi đã trải nghiệm từ những món đơn giản như trứng tráng măng tây, súp kem măng tây ăn với bánh mì lúa mạch ở căngtin trường đại học đến món đặc sản off-menu của một nhà hàng ở Aachen là “frischder Spargel mit zweierlei Schinken und Holländische Sauce“ - măng tây tươi với thịt nguội và sốt trứng gà kiểu Hà Lan... để rồi khi mùa măng đi qua, tôi mới biết mình đã phải lòng món ngon xứ lạ này mất rồi.
Thông tin thêm:
|